Weekly Trending

header ads

MỘT SỐ VẤN ĐỀ SINH VIÊN LUẬT NÊN TÌM HIỂU THÊM TRONG THỜI GIAN DỊCH

MỘT SỐ VẤN ĐỀ SINH VIÊN LUẬT NÊN TÌM HIỂU THÊM TRONG THỜI GIAN DỊCH #Covid19

"Từ kinh nghiệm học và làm việc của mình, tôi xin nêu ra một số vấn đề khá cơ bản sau đây mà nhiều cử nhân, không ít luật sư và một bộ phận không nhỏ những người có trình độ luật sau đại học vẫn lúng túng (thậm chí không biết). Các bạn nên tranh thủ trong thời gian nghỉ để tìm hiểu hay nghiên cứu hoặc củng cố lại những vấn đề này.

1. VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ:

(a) Vấn đề từ ngữ và ngữ pháp căn bản để nhận biết và sử dụng đúng các loại từ, ngữ: chắc các bạn đã từng thấy nhiều tài liệu mà nếu phân tích kỹ về từ ngữ và ngữ pháp, bạn sẽ thấy có những sai sót như: mhiều câu chưa đủ chủ ngữ và vị ngữ: có những đoạn văn bắt đầu bởi chữ “bởi vì”, “căn cứ” “do” hay tổ hợp trạng ngữ chỉ lý do, mục đích, nơi chốn… dài đến mức tác giả đành phải đặt dấu chấm dù nó chỉ mới là một thành phần phụ của câu.

(b) Quy tắc viết hoa các danh từ và ngữ danh từ: việc làm chủ kiến thức về từ và cách viết hoa là rất quan trọng đối với các cử nhân luật, luật sư và những người làm việc liên quan đến lĩnh vực pháp luật.

(c) Từ loại và nghĩa của từ: tôi đã từng hỏi rất nhiều người từ sinh viên đến tiến sỹ về sự khác nhau giữa các cặp từ như: Chủ nghĩa Xã hội – Xã hội Chủ nghĩa, Chủ nghĩa Tư bản – Tư bản Chủ nghĩa… Thật đáng buồn là không đến 50% số người được hỏi có thể trả lời được câu hỏi này.

2. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT:

(a) Cách giải thích luật: theo thứ tự hiệu lực, thứ tự thời gian, luật chung và luật riêng, nghĩa đen, ý chí của nhà làm luật…và giải quyết xung đột về quy phạm pháp luật.

(b) Hiệu lực của quy phạm pháp luật: vấn đề hồi tố hay không hồi tố (mở rộng ra vấn đề bảo hộ đầu tư và bảo đảm đầu tư)

(c) Chừng mực nào Tòa án / Trọng tài phải hoặc có thể giải thích và áp dụng các quy tắc hay quy định không thuộc các văn bản pháp luật theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật (như công văn trả lời của Bộ, quy chế hay quy tắc của Chính phủ hay Bộ đối với một vấn đề cụ thể nào đó)?

(d) Ý chí của nhà làm luật được thể hiện thế nào và vận dụng ra sao khi giải thích và áp dụng một quy phạm pháp luật cụ thể?

3. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC HOẶC VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA LUẬT DÂN SỰ:

(a) Các nguyên tắc và nguyên lý cơ bản về quyền và nghĩa vụ: tính đơn phương, tính qua lại, sự hình thành, cách thực hiện, quyền từ bỏ, thay đổi…

(b) Nguyên tắc về quyền tự do thỏa thuận, định đoạt (quyền tự do lựa chọn)

(c) Pháp nhân và tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của pháp nhân trong quan hệ và giao dịch dân sự (lưu ý đến sự can thiệp của “cơ quan chủ quản”, ý kiến đơn phương của thanh tra, kiểm toán nhà nước đối với một giao dịch của doanh nghiệp nhà nước)…

(d) Vấn đề bất khả kháng (Điều 156 BLDS), Hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420 BLDS): vấn đề này được rất nhiều người coi nhẹ như là một quy tắc mang tính đương nhiên của pháp luật và không có nhiều khoảng trống cho tư duy và tài năng của những người sử dụng hay giải thích nó. Suy nghĩ như vậy là hết sức sai lầm.

(e) Tại sao người ta dùng từ “Luật hợp đồng”, “bồi thường thiệt hại theo hợp đồng”… mà không dùng từ “Luật thỏa thuận”, “bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận” đa số tài liệu hợp đồng được đặt tên là “Thỏa thuận” mà vẫn có đầy đủ hiệu lực pháp lý? Câu hỏi này của tôi cũng nhận được câu trả lời đúng của ít hơn 50% số người được hỏi.

(f) Hợp đồng đơn vụ và hợp đồng song vụ. Ngoài hợp đồng tặng cho, liệu còn giao dịch nào có thể được coi là hợp đồng đơn vụ nữa không?

(g) Vấn đề và các trường hợp hợp đồng vô hiệu: Nếu khi ký hợp đồng, một bên không tin mình có thể thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng hoặc có ý định sẽ không tuân thủ 1 cam kết nào đó trong hợp đồng mà vẫn ký và không nói ra cho bên kia biết (bên kia cũng không bị hiểu sai về chủ thể, đối tượng và nội dung giao dịch) thì có bị coi là lừa dối không? Việc một bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng theo Khoản 1 và Khoản 3 Điều 387 của Bộ luật Dân sự (2015) có phải là lừa dối hay không?

(h) Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được hiểu và vận dụng ra sao khi người quản lý gây thiệt hại cho công ty và thành viên hay cổ đông lại kiện người quản lý đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình do giá trị vốn góp hoặc cổ phần của mình bị giảm sút do thiệt hại của công ty?

4. MỘT SỐ GỢI Ý CHUNG:

Dù bạn học hay nghiên cứu chuyên ngành nào, cần nắm vững kiến thức và có khả năng suy luận, giải thích và phân tích những vấn đề sau:

(a) Lý luận chung về nhà nước và pháp luật liên quan đến ban hành, thay đổi, hủy bỏ, giải thích và áp dụng các quy phạm pháp luật;

(b) Luật dân sự và Bộ luật Dân sự (đặc biệt là phần chung, lý luận);

(c) Luật hình sự phần chung;

(d) Cơ chế giải quyết tranh chấp, lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp;

(e) Ngoài ra, cần chịu khó theo dõi và nắm tin tức, thời sự của đất nước và thế giới để biết những gì đang diễn ra xung quanh ta. Đồng thời, cần có những hiểu biết cơ bản về kinh tế và chính trị."

Cre: LS Lương Văn Trung - Trọng tài viên VIAC